Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Sự dễ dãi trong kinh doanh thời trang và may mặc sẽ khiến ta không thể lớn

Cách đây 2 năm, tôi đã chính thức bước vào con đường kinh doanh của mình. Việc thành lập Công ty lúc ấy chẳng hề liên quan gì đến phong trào “startup” lúc bấy giờ. Bởi đơn giản là tôi cảm thấy mình đã đủ chín chắn để đi trên con đường riêng mà mình. Từ nhỏ tôi luôn mong ước mình sẽ là một doanh nhân thành đạt, có thật nhiều tiền để có thể làm những điều mình thích và được giúp đỡ người khác. Ban đầu tôi dự định đầu tư một sàn Thương mại điện tử trong lĩnh vực thời trang và may mặc. Nhưng xét tới xét lui tôi thấy dự án này lớn quá đòi hỏi rất nhiều tiền của và công sức. Trong khi đó nó chứa đựng nhiều rủi ro lớn. Sau khi phân tích kỹ càng tôi quyết định chọn sản phẩm áo thun đồng phục để cung cấp cho các doanh nghiệp tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau hơn 6 tháng hoạt động, tôi có một số khách hàng nhất định. Lúc đó tôi mong muốn được phục vụ khách hàng tốt hơn. Tôi mong muốn đáp ứng nhanh thời gian đáp ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi quyết định lập một xưởng may nhỏ chuyên may các sản phẩm áo thun đồng phục. Do kinh nghiệm quản lý xưởng may lúc ấy còn yếu khiến chúng tôi phải rơi vào tình trạng khó khăn vì chi phí sản xuất quá cao. Công ty phải liên tục chịu lỗ trong một thời gian. Nhưng trong quãng thời gian ấy tôi đã học hỏi và tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý sản xuất ngành may mặc. Cũng trong thời gian này, tôi đã chứng kiến rất nhiều xưởng may lớn nhỏ, các shop thời trang phải phá sản. Một lý do phá sản mà ai cũng có thể đổ lỗi được đó là vấn đề cạnh tranh gay gắt trong ngành may mặc. Nhưng theo tôi, sự thất bại ấy xuất phát từ chính bản thân những ông chủ, doanh nghiệp. Đa số những người mở xưởng may, shop thời trang đều xuất thân từ dân kỹ thuật may hoặc những nhà thiết kế thời trang. Và họ thì không hiểu hết các hoạt động kinh doanh bằng các doanh nhân. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của họ đó là: nguồn khách hàng không ổn định, chi phí sản xuất cao và quản lý dòng tiền không tốt. Và ngay cả công ty tôi cũng gặp phải những vấn đề trên và tôi đang tìm mọi cách để giải quyết nó một cách thấu đáo.

Có một điều tôi thấy hơi lạ ở Việt Nam. Ngành may mặc là một trong những ngành có tỷ trọng lớn đóng góp vào GDP Quốc Gia. Việc ấy thể hiện ở những con số xuất khẩu luôn đi đầu. Nhưng sự hỗ trợ từ phía nhà nước hầu như không có hoặc rất ít, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ngành may Việt Nam có thể nói là một trong những ngành truyền thống và lâu đời nhất tại Việt Nam. Ngành này rất dễ tham gia, chỉ cần bạn có chút kinh nghiệm về may mặc hoặc thiết kế là bạn có thể mở một xưởng may hoặc một shop thời trang. Chính vì thế, nó đã thu hút rất nhiều thành doanh nghiệp, gia đình và cá nhân tham gia kinh doanh. Chính yếu tố dễ dàng ấy khiến chính những người làm kinh doanh  cũng trở nên “dễ dàng” . Họ dễ dãi với chất lượng sản phẩm mình sản xuất. Họ qua loa với khách hàng và đối tác của mình. Sự dễ dàng ấy đã trở thành một thói quen chết người vô tình khiến họ phải chết dần chết mòn mà không hề hay biết.


Thị trường thời trang Việt Nam hiện nay đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Bên cạnh những thương hiệu quốc tế đang chiếm thế thượng phong ở phân khúc cao cấp. Các thương hiệu tầm trung của Việt Nam cũng đã tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc. Sự cạnh tranh và sản lượng tiêu thụ quần áo cao nhất chắc chắn nằm ở phân khúc bình dân và giá rẻ. Chúng ta dễ dàng cảm nhận được điều này khi quan sát sự buôn bán tấp nập ở những khu vực chợ đầu mối như: chợ Tân Bình, chợ An Đông, chợ Bà Chiểu .v.v. Đó là thị trường truyền thống, còn thị trường online thì sôi động và cạnh tranh rất khốc liệt. Việc sản xuất quần áo đã dễ, việc bán quần áo tưởng chừng cũng rất dễ dàng. Nhưng chính yếu tố dễ dàng ấy đã tạo nên thói quen làm ăn chộp giật, bất chấp lợi nhuận của một số thành phần... điều ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến những người làm ăn chân chính.  Nhưng dù sao chính những thành phần tham gia kinh doanh lĩnh vực may mặc ở phân khúc này đã tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động. Tôi nghĩ đã đến lúc những người làm ăn trong ngành này cần kết hợp lại và tạo ra những sản phẩm chất lượng nhất cho khách hàng của mình. Có như thế chúng ta mới kinh doanh ngành này một cách bền vững. Và tôi mong muốn mình sẽ làm một điều gì ấy cho họ - cho những người làm ăn chân chính trong ngành may mặc và thời trang. Cùng nhau chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh phải không các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét