Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Tâm Trạng Người Khởi Nghiệp

Đã từ lâu hai chữ “khởi nghiệp” đã le lói rồi xuất hiện thường xuyên trong tâm trí tôi. Từ lúc nhỏ tôi đã có nhiều ước mơ, tôi ước mơ mình sẽ trở thành một người doanh nhân thành đạt có đóng góp một giá trị nào đó cho cộng đồng và xã hội, tôi muốn được tham gia phát triển địa phương của mình, muốn giúp đỡ cho gia đình mình và những nhà nông khốn khó thời đó. Lúc đó, tôi đã hình thành nhiều ý tưởng kinh doanh mới lạ: nào là dự án về Công nghệ thông tin thông minh, nào là dự án về thương mại điện tử .v.v. Nhưng do kiến thức và trải nghiệm về kinh doanh còn non nớt, tôi cảm thấy mọi thứ đó quá mơ hồ và dĩ nhiên là tôi không đủ tự tin để khởi nghiệp.

Một quyết định đôi khi không đến từ một ý chí mà là một hoàn cảnh
Cũng như bao sinh viên khác, sau khi ra trường, tôi cố gắng kiếm cho mình một công việc ưng ý. Nhưng sau một năm làm việc với vị trí chuyên viên IT về Quản trị mạng, tôi cảm thấy công việc này đã không còn phù hợp với mong ước của mình nữa. Tôi muốn thay đổi và tìm ra sức mạnh của mình thông qua lĩnh vực kinh doanh. Thế là tôi đã bắt đầu tìm đọc các cuốn sách về kinh doanh, Marketing, thương hiệu, lãnh đạo .v.v. và ngay tức khắc tôi bắt đầu hứng thú về các kiến thức trên và tôi đã quyết định học thêm một Văn bằng thứ 2 về quản trị kinh doanh của trường Đại học Kinh tế TPHCM. Và cũng để củng cố chuyên môn và trải nghiệm tôi đã xin chuyển vị trí công việc, chuyển công ty qua các lĩnh vực sale, tiếp thị trực tuyến, marketing và thương hiệu.

Sau khoảng 5 năm vừa học vừa áp dụng thực tế, kiến thức và trải nghiệm Marketing/Branding của tôi đã được nâng lên một tầm cao mới. Tôi có một quan điểm làm Marketing và Branding rất rõ ràng: Marketing và Branding là 2 quá trình có tính tương hỗ và quan hệ mật thiết với nhau, nó bao gồm cả một hệ thống chiến lược, chiến thuật và các hành động cụ thể, nó được triển khai một cách hài hòa vừa nghệ thuật vừa khoa học để đạt một mục tiêu nào đó. Chiến lược Marketing và Branding sẽ hoạch định và ảnh hưởng sâu sắc đến các chiến lược kinh doanh khác như: chiến lược nhân sự, chiến lược tài chính, chiến lược sản xuất và chiến lược công nghệ. Việc xây dựng một thương hiệu mạnh không thể thiếu được những nguyên lý trên.
Nhưng đáng tiếc rằng có một thực tế lại rất phũ phàng đối với chuyên viên Marketing và Thương hiệu, các doanh nghiệp Việt hiện nay mà tôi đã từng làm việc và tiếp xúc họ có một quan điểm về Marketing và Branding rất “hẹp”, quan điểm của họ chỉ giới hạn ở một khía cạnh và phạm vi của truyền thông, quảng cáo, PR … cao hơn nữa họ cũng quan trọng chiến lược 4P (sản phẩm, giá cả, phân phối, quảng bá) trong đó nhấn mạnh vai trò phân phối và bán hàng. Họ xem Branding chỉ dừng lại ở việc xây dựng hình ảnh nhận diện bên ngoài như việc: thiết kế logo, phối màu sắc và font chữ trên các ấn phẩm truyền thông/văn phòng phẩm, họ cho đó là công việc của người thiết kế đồ họa hay cao hơn là công việc của người làm công tác truyền thông. Họ đã quên mất một điều quan trọng, thương hiệu chỉ có được khi nó thể hiện được cái bên trong của nó như chất lượng sản phẩm/dịch vụ hoặc việc hình thành cảm xúc qua quá trình dùng thử sản phẩm/dịch vụ, giao tiếp khách hàng hay văn hóa công ty…

Đây cũng chính là lý do “sâu thẳm” mà tôi thường xuyên phải nhảy việc, tôi mong muốn làm việc với một lãnh đạo, một môi trường mà nơi đó thương hiệu được xem là văn hóa công ty, Marketing được xem là một triết lý sống và hoạt động của toàn công ty. Và đương nhiên với mong muốn như thế thì việc tôi cảm thấy thất vọng với công ty là lẽ đương nhiên.
Và đây cũng chính là nguyên nhân thất bại khi tôi ứng tuyển các vị trí Giám đốc Marketing/Thương hiệu của một số công ty lớn. Đa số các vị trí này đều mong muốn ứng viên phải có giải pháp để bán ngay được hàng hóa, họ chú trọng các giải pháp về kênh phân phối, bán hàng và quảng cáo. Dĩ nhiên là họ biết cũng cần có phân tích thị trường, chọn thị trường mục tiêu, định vị sản phẩm và các chiến lược 4P hay 7P gì đó. Trong khi đó, tôi lại đưa ra các giải pháp về  chú trọng việc xây dựng thương hiệu ngay từ đầu đồng thời kết hợp với các chương trình Marketing để tích lũy tài sản thương hiệu, tùy vào giai đoạn phát triển của sản phẩm mới đưa ra các chương trình Marketing phù hợp chứ không chỉ đơn thuần là tập trung phân phối và bán hàng. Và họ cho rằng tôi không thực tế, họ chỉ cần doanh thu và lợi nhuận. Họ cho rằng Thương hiệu tự động có khi có doanh thu. Nhưng họ đâu biết rằng, cho dù họ làm tốt ở khâu sản xuất, phân phối và bán hàng thì lợi nhuận chỉ tồn tại trong ngắn hạn, tỷ suất lợi nhuận sẽ giảm dần khi sản phẩm của anh không còn giá trị khác biệt so với các đối thủ khác bởi lợi thế ấy sẽ dần dần mất đi vì sự khác biệt của anh chỉ dựa vào đặc tính kỹ thuật và sẽ nhanh chóng bị đối thủ khác sao chép trong tương lai.

Chính những điều ấy đã thôi thúc ý chí khởi nghiệp của tôi, sứ mệnh của tôi cần giúp cho các doanh nhân Việt thấu hiểu để hành động có được hai chữ “thương hiệu”. Tôi mong muốn giúp họ xây dựng một thương hiệu mạnh để người Việt chúng ta có thể tự tin vào cuộc chơi hội nhập Kinh tế Thế giới. Và đặc biệt hơn, tôi mong muốn được hỗ trợ các sản phẩm nông sản của nông dân trở thành các “thương hiệu nông sản” Việt, để người nông dân không còn chịu cảnh “được mùa mất giá”.
Nhưng ý chí ấy đã gặp phải một rào cản vô cùng lớn, Với một công việc với mức lương ổn định tôi có thể giải quyết được các chi phí cơ bản của gia đình như: tiền thuê nhà, trả nợ ngân hàng, học phí con cái, việc ăn ở học hành các em .v.v. Bảng chi phí hàng tháng dường như đã ám ảnh tôi rất lớn, tôi đã phải lập bảng kê hàng ngày hàng tháng để chi tiêu hợp lý mong sao có thể dư ra đôi chút nhưng cuối tháng đều bội chi. Cũng chính vì lý do này mà tôi chưa dám từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi ước mơ của mình, tôi vẫn cố gắng trong công việc, đưa ra nhiều sáng kiến cho lãnh đạo, cấp quản lý và tôi hi vọng rằng họ sẽ trọng dụng tôi trong một tương lai không xa. Nhưng tất cả chỉ là nỗi thất vọng và đầy vị trát đắng, lãnh đạo và cấp quản lý của tôi không xem trọng vị trí công việc mà tôi đang đảm nhiệm, điều đó cũng xuất phát từ quan điểm Marketing và Branding của họ, vị trí chuyên viên Marketing nhiều khi không được xem trọng bằng một nhân viên Sale, điều đó thể hiện qua cách họ phân công nhiệm vụ và đề bạt cấp quản lý.
Rào cản ấy trở nên lớn dần khi gia đình, bạn bè và nhiều người có kinh nghiệm khuyên tôi không nên bỏ công việc để làm việc không biết chắc kết quả. Tâm tạng tôi nhiều lúc rơi vào bối rối, sự ức chế hình thành một cách vô thức đến khi nó bùng phát khi bị cấp trên xoi mói về các chi tiết không đáng có, cảm giác trở thành người thừa cứ một lúc một rõ nét. Nhiều lúc tôi bị stress thật sự khi công việc đã dần dần mất đi ý nghĩa của nó. Tôi càng nghĩ càng rối và càng lo sợ hơn khi nghĩ tới bảng chi tiêu hàng tháng của gia đình.
Và tới một ngày, tôi không muốn nghĩ đến những điều đó nữa, tôi muốn để tâm hồn và thể xác được tĩnh lặng và yên bình, tôi muốn thả lỏng tất cả. Và ngay lúc ấy tôi chợt nghe thấy tiếng gọi từ trong sâu thẳm “tiếng gọi cho tôi biết hãy làm những điều tôi muốn, hãy hành động ngay và sợ hãi sẽ tự động tan biến”.

Và ngày 15/08/2015 tôi đã quyết định chọn làm ngày thông báo khởi nghiệp với gia đình, bạn bè với một cái tên được sáng tạo theo nguyên tắc thương hiệu đó là Forlybrand . Và tôi quyết định tự xây dựng một thương hiệu thời trang áo thun cao cấp với brandname forly, một thương hiệu với sứ mệnh "gắn kết yêu thương" nhằm gắn kết những con người trong một gia đình, xa hơn là cộng đồng và xã hội nhằm tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Và đây là con đường duy nhất tôi sẽ đi trong thời gian tới. Sự sợ hãi và ức chế đã không còn nữa khi tôi chính thức nộp đơn và bàn giao công việc cho công ty. Và giờ đây tôi đã tìm được niềm vui trong công việc khởi nghiệp. Tôi vui vì đã tìm được những người cộng sự có tâm và đầy tài năng. Tôi hy vọng rằng sẽ sớm mang lại niềm vui đó cho mọi người và những người tôi yêu thương. Và tôi sẽ không làm việc cho bất cứ ai cho đến khi họ hiểu và mong muốn hành động để có được hai chữ “thương hiệu”.
Tôi tin rằng nhưng ai đã từng khởi nghiệp chắc chắn sẽ trải qua cảm giác này.


Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

PHATMARCOM KHỞI NGHIỆP VỚI FORLYBRAND



Vượt qua khó khăn

Thông báo khởi nghiệp chính thức
Sau một thời gian đắn đo và suy nghĩ, Phatmarcom đã quyết định một vấn đề vô cùng khó khăn đó là từ bỏ công việc hiện tại với mức lương 15tr mỗi tháng để chuẩn bị cho tương lai khởi nghiệp của mình. Tôi mong muốn cống hiến và tạo ra các giá trị cao đẹp cho cộng đồng chứ không phải làm các việc lập đi lập lại có giá trị thấp rồi ngồi lãnh lương, tôi tin rằng sẽ tìm được niềm vui cho chính mình và mang niềm vui ấy cho người thân và những người kém may mắn trong xã hội.

Đứng trước vô vàn khó khăn và thách thức của quá trình Start – Up tôi mong rằng sẽ được sự ủng hộ của gia đình và bạn bè thân hữu cũng như được sự tin tưởng của và đồng hành với các đồng sự để đi đến đích cuối cùng.
Thương hiệu sẽ được xây dựng và phát triển trong tương lại là Forlybrand, đây không phải là thương hiệu dành cho tôi hay dành cho các nhà sáng lập mà chính là dành cho các Doanh nhân và Doanh nghiệp mong muốn được phát triển và tự tin trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, đồng thời thương hiệu cũng giúp cho người tiêu dùng chứng thực được sự thật giả của các hàng hóa mà mình mua.
Với sứ mệnh to lớn ấy, Forlybrand sẽ hoàn thiện mình một cách mạnh mẽ, sáng tạo với tốc độ vượt trội để tạo một lực “đẩy” và lực “nâng”  giúp thương hiệu Doanh nhân và Doanh nghiệp được cất cánh và bay xa tới đích mong muốn.
Trong thời gian đầu, Forlybrand sẽ cung cấp các gói dịch vụ thiết kế, hỗ trợ công tác truyền thông cho các công ty như: thiết kế tài liệu bán hàng (Brochure, Catalogue, Factsheet, Flyer, Profile…), thiết kế tài liệu truyền thông (Video Clip TVC, Banner, Backrop, Standee…), thiết kế Logo, viết quảng cáo… Đặc biệt Forlybrand sẽ dành nhiều ưu đãi cho các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành và các công ty bảo vệ.
Với đội ngũ chuyên gia thiết kế chuyên nghiệp cùng với chuyên gia Marketing và Thương hiệu, Forlybrand sẽ tự tin cung cấp các sản phẩm thiết kế hoàn hảo và tinh tế phù hợp với nhu cầu khách hàng của các Doanh nghiệp.
Một lần nữa, Phatmarcom xin được chúc sức khỏe cộng đồng trên Facebook, mình hy vọng sẽ được các bạn ủng hộ, góp ý để hoàn thiện sản phẩm và ý tưởng kinh doanh nhằm giúp Forlybrand cung các các giá trị hữu ích nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhưng đầy thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế Thế giới.
Phatmarcom hân hạnh chào đón các bạn có cùng ý tưởng và niềm đam mê mãnh liệt của một tinh thần Doanh nhân để cùng nhau chia sẻ, xây dựng và phát triển thương hiệu Forlybrand tạo ra các giá trị tốt đẹp đáp ứng nhu cầu mong đợi của xã hội.

Các Anh chị có thể theo dõi Forlybrand qua:

Phatmarcom chân thành đón nhận các góp ý qua:




Công ty cổ phần Forlybrand
255/7 Lê Văn Thịnh, phường Cát Lái, quận 2, TP.HCM
0938.12.42.52 | forlybrand@gmail.com | forlybrand.com



Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

21 Thuật lãnh đạo

Bạn có thể là một nhân viên đầy khao khát và đang chuẩn bị hành trang để trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc với bầu nhiệt huyết và quyết tâm tràn đầy, bạn cũng có thể làm một nhà lãnh đạo lão luyện đầy kinh nghiệm đang điều hành một doanh nghiệp. Dù bạn là ai thì 21 thuật lãnh đạo sau đây sẽ dẫn lối đưa đường giúp bạn tới đích.

  1. Tài năng lãnh đạo là do trui rèn chứ không phải khả năng thiên bẩm
  2. Luôn có ý thức về sứ mệnh
  3. Là một con người hành động chứ không nói suông 
  4. Rèn luyện lòng can đảm
  5. Cần có tư duy chiến lược
  6. Rèn luyện kỹ năng truyền cảm hứng và tạo động lực
  7. Luôn cam kết bản thân vì thắng lợi chung
  8. Rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt
  9. Học hỏi từ nghịch cảnh
  10. Xây dựng đội quân hùng mạnh và tướng tài
  11. Tập trung vào kết quả và những việc có ý nghĩa lớn
  12. Khao khát dẫn dắt
  13. Lòng tự tôn mạnh mẽ
  14. Hãy sống và nêu gương cho cấp dưới và những người xung quanh
  15. Luôn biết cách tự tạo động lực cho bản thân
  16. Phát triển thường xuyên phẩm chất lãnh đạo
  17. Tìm kiếm sự hợp tác một cách thông minh
  18. Tạo sự đồng thuận trong nhóm hay tổ chức
  19. Luôn luôn biết lắng nghe
  20. Có một phong cách sống tốt nhằm duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống
  21. Luôn chính trực với mọi người 
Phatmarcom - Chuyên gia thương hiệu sưu tầm