Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Ứng dụng 7 nguyên tắc tư duy đột phá trong kinh doanh

Cho đến tới thời điểm này, tôi đã từng nghe rất nhiều về các kiến thức về: Marketing, tài chính, chiến lược kinh doanh … Nhưng chưa một buổi học nào khiến tôi phải suy nghĩ và ấn tượng như buổi học “Tư duy đột phá” do chuyên gia Lê Thẩm Dương trình bày. Có lẽ đó là một trong những buổi học khai tâm trí trong cuộc đời của tôi. Sau buổi học ấy tôi đã dành nguyên một buổi chiều để suy ngẫm về cuộc đời và vấn đề kinh doanh của công ty Forly Brand.


Là một thanh niên khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tôi đã chọn dịch vụ tư vấn, thiết kế và in ấn các ấn phẩm truyền thông, Marketing và nhận dạng thương hiệu. Ngoài ra tôi cũng nhận các dịch vụ làm Marketing trọngói, tổ chức các sự kiện như: ra mắt giới thiệu sản phẩm mới, tổ chức hội nghị khách hàng, lễ kỷ niệm công ty hay tổ chức Sampling. Trong quá trình kinh doanh ấy, tôi cũng đảm nhận vai trò cung cấp áo thun đồng phục cho các khách hàng của mình. Nhận thấy cơ hội lớn của ngành kinh doanh áo thun nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập mạnh mẽ đặc biệt là sự kiện tham gia thành công TPP, tôi đã bắt đầu nghiên cứu và đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này. Tuy nhiên, do đang trong quá trình hoàn thiện mô hình kinh doanh và sản phẩm, công ty đã liên tiếp xảy ra các sự cố trong các đơn hàng áo thun đồng phục, các lỗi xảy ra chủ yếu về chất lượng áo, công tác giao vận hay việc hậu mãi. Điều đáng nói ở đây, tôi nhìn nhận sự việc và giải quyết theo cách thông thường và đơn giản nhất là lỗi chỗ nào sửa chỗ ấy, nhưng khi sự việc này chưa giải quyết xong triệt để thì việc khác lại xảy ra, đến lúc này tôi nhận ra rằng sớm muộn gì mình cũng sẽ thất bại nếu theo cách tư duy ấy.
Thế là tôi lao vào tìm hiểu những quy trình, công nghệ may mặc, in ấn … qua bạn bè, người thân và những người đi trước trong nghề áo  thun nhưng dường như tôi vẫn cảm thấy thiếu một thứ gì bởi tôi không thế tìm ra một giải pháp phù hợp cho vấn đề của mình. Tôi càng suy nghĩ tôi càng thấy bối rối và trở nên chán nản thật sự cho đến khi tôi dự buổi chuyên đề “tư duy đột phá”. Đến lúc này thì tôi biết rằng mình đã phạm sai lầm đến 70% trong cách thức nhìn nhận và giải quyết vấn đề trên.
Sau buổi học tối hôm đó, tôi đã dành nguyên một buổi chiều để suy ngẫm lại những kiến thức mà tôi đã tiếp nhận từ thấy Dương và bắt đầu suy ngẫm về cách giải quyết của mình. Tôi đã ứng dụng 5 trong 7 nguyên tắc “tư duy đột phá” để bắt đầu tìm ra một giải pháp phù hợp chứ chưa mong là một giải pháp đột phá. Tôi cảm thấy mình khai thông nhiều thứ trong suy nghĩ của mình và giờ đây tôi muốn được chia sẻ cùng mọi người những nguyên tắc vàng này. Tôi cho rằng những ai muốn làm chủ cuộc đời mình hãy nắm vững 7 kỹ năng “tư duy đột phá” này, nó là bước đệm mà bạn phải bước qua để đạt thành công.

1. Nguyên tắc 1: Sự khác nhau độc đáo
Đúng như những gì thầy Dương nói, những vấn đề bên ngoài tưởng chừng rất giống nhau nhưng thực ra chúng ta không thể áp dụng một biện pháp giống nhau để giải quyết. Đối với ngành kinh doanh thời trang, tôi chắc rằng có rất nhiều công ty, doanh nghiệp tư nhân đều gặp phải những vấn đề mà tôi đang gặp phải như: khách hàng không hài lòng về chất lượng vải, áo bị lem màu, chính sách hoa hồng người giới thiệu, hàng hóa bị lỗi khi giao hàng, hậu mãi kém .v.v. Tôi đã tiếp nhận rất nhiều tư vấn từ dân trong nghề may nhưng nếu đem nguyên si cách của họ vào áp dụng trong trường hợp của công ty tôi là hoàn toàn không phù hợp, bởi công ty của tôi đang trong giai đoạn đầu khởi nghiệp và nghiên cứu sản phẩm và nguồn lực thì đang thiếu thốn mọi thứ. Các công đoạn để cho ra một sản phẩm hầu như tôi đều phải thuê ngoài đến 90%, công ty chúng tôi chủ yếu tập trung vào Marketing,  Thương hiệu, bán hàng và hậu mãi. Trong khi đó, giải pháp của họ đưa ra khi đã tạo ra một quy trình khép kín về sản xuất, nguồn lực về tài chính, con người, vật chất mạnh mẽ.
Nếu chúng ta áp dụng một giải pháp đã có trước đây (giải quyết theo kinh nghiệm) thì dù kết quả như thế nào thì chắc chắn một điều là không có giải pháp đột phá bởi bạn đã dừng suy nghĩ.

2. Nguyên tắc 2: Mở rộng mục đích (nâng tầm)
Theo tôi đây là nguyên tắc bắt buộc bạn phải thực hiện khi áp dụng bất cứ trường hợp nào, tôi còn gọi một cái tên khác là mở rộng tầng mục đích. Với mỗi tầng mục đích lớn hơn sẽ giúp bạn có nhiều giải pháp hơn và tạo ra một hệ thống giải pháp với cùng mục tiêu.
Áp dụng trong trường hợp của công ty tôi (Forly Brand) tôi có các tầng mục đích cho việc giải quyết những khiếu nại của khách hàng như sau:
Tầng 1: Xử lý chất lượng áo thun
(các giải pháp có thể: đổi nhà may, chọn loại vải tốt nhất…)
Tầng 2: tạo ra quy trình sản xuất tốt
( lúc này giải pháp không chỉ dừng lại ở các giải pháp trên mà tôi phải nghĩ ra thêm các giải pháp quản lý chất lượng toàn diện ở khâu sản xuất)
Tầng 3: tạo dựng một thương hiệu uy tín và cao cấp
(nếu chọn mục đích này tôi phải đề ra các biện pháp về nghiên cứu Marketing, Thương hiệu, bán hàng, phân phối, sản xuất, chính sách giá, hậu mãi …)
Tầng 4: tạo thu nhập lớn trong tương lại
(nếu tôi chọn mục đích này tôi sẽ cần suy nghĩ thêm liệu ngành này có phù hợp, tôi có thể chọn giải pháp cắt bỏ ngành này và tập trung vào dịch vụ tư vấn thương hiệu và Marketing)
Qua ví dụ trên, các bạn có thể thấy nếu bạn nâng tầm mục đích của việc giải quyết vấn đề, bạn sẽ có nhiều giải pháp hơn và nó là tiền đề để bạn tìm ra giải pháp đột phá. Nếu bạn không mở rộng mục đích của mình, thì các giải pháp bạn đưa ra sẽ chỉ giải quyết được những thứ trước mặt bạn.

3. Nguyên tắc 3: Luôn tìm giải pháp tối ưu (giải pháp nối tiếp giải pháp)
Giải pháp này thì tôi chưa áp dụng nhiều lắm, nhưng tôi cho rằng để tìm ra giải pháp mang tính đột phá bạn cần tìm thêm nhiều giải pháp nữa, để xem nó có tốt hơn với cái bạn đã nghĩ ra chưa? Và tôi tin rằng chắc chắn sẽ có.

4. Nguyên tắc 4: Giải pháp có tính hệ thống (giải quyết theo hàm chứ không theo biến)
Nếu tôi mở rộng tầng mục đích của mình ở tầng “xây dựng và phát triển thương hiệu áo thun uy tín” thì rõ ràng các vấn đề mà tôi đang gặp phải nó là tổng hợp của nhiều biến: loại khách hàng, định vị, sản phẩm, giá, bán hàng, hậu mãi, vận chuyển chứ không chỉ là ở khâu chất lượng sản phẩm. Rõ ràng tôi không còn cách nào khác phải hoàn thiện ở tất cả khâu trên và thông báo cho khách hàng biết rõ về sản phẩm, giá bán, khuyến mãi qua các kênh truyền thông, tài liệu bán hàng như Catalogue, hợp đồng và tư vấn.

5. Nguyên tắc 5: Lôi kéo người tham gia
Nguyên tắc này theo tôi thì mọi người đã từng áp dụng nó, đối với một vần đề cần giải quyết nếu có sự góp ý của nhiều người, chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra điều mình muốn hơn. Trong trường hợp của tôi, tôi đã tham khảo và xin ý kiến của các chuyên gia, nhà may, nhà in và thậm chí là khách hàng… đó là những đóng góp vô cùng có giá trị đối với tôi.

6. Nguyên tắc 6: Thu thập thông tin giới hạn
Nguyên tắc này nói rằng ngay từ đầu bạn nên đặt giới hạn cho những điều bạn biết về vấn đề. Khi tiếp cận một vấn đề, chúng ta có thể tiết kiệm thời gian và công sức bằng cách không thu thập thông tin tràn lan và cũng không nên xét lại các nghiên cứu đã thực hiện.
Đây là nguyên tắc mà tôi cảm thấy có ý nghĩa, trước đây để tìm ra vấn đề và tìm cách giải quyết tôi đã tham khảo nhiều thông tin ở những diễn đàn may mặc, xem lại các video clip về các quy trình sản xuất, tham khảo các loại sách về thiết kế trang phục, in ấn áo thun … xem lại cách giải quyết vấn đề của những người đi trước, nhưng tôi có cảm giác thông tin đó chưa đủ và tôi đã phải mất khá nhiều thời gian cho vấn đề này mà vẫn chưa quyết định được một phương pháp tốt.

7.  Nguyên tắc 7: Cải tiến liên tục
Đây là nguyên tắc mà tôi chưa áp dụng được bởi tôi đang trong giai đoạn đầu của việc hoàn thiện sản phẩm. Nhưng các bạn có thể thấy rõ điều này qua bài học của Nokia, một thời họ là thương hiệu điện thoại di động hàng đầu thế giới với thị phần hơn một nữa nhưng bây giờ đã phải chịu số phận của một thương hiệu sắp lụi tàn cũng bởi vì chậm cải tiến và thay đổi.

Ngoài mục đích chia sẻ với các Anh Chị việc ứng dụng 7 nguyên tắc “Tư duy sáng tạo”, tôi đang vận dụng nguyên tắc số 5 “lôi kéo người tham gia” thông qua bài viết này với mục đích tìm được những ý kiến đóng góp chân thành cho mục đích của công ty tôi (Forly Brand) “xây dựng một thương hiệu áo thun cao cấp, uy tín và đầy cảm xúc yêu thương”. Liệu tôi sẽ phải có những biện pháp gì để đạt mục đích trên và để giúp tôi xử lý các khiếu nại của khách hàng mà vẫn đảm bảo thu nhập công ty. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay của cty đang yếu rất nhiều thứ từ tài chính, nhân lực, sản xuất … Đến lúc này tôi đang đơn độc trong cuộc hành trình của mình, tôi khao khát và hy vọng tìm được một “đồng chí” để cùng tôi kiến tạo và đột phá.

Phatmarcom