Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2016

Suy ngẫm triết lý “cho đi"

Từ nhỏ tôi được sống trong môi trường xứ đạo, tôi được nghe rất nhiều về triết lý “cho đi”. Sự cho đi ấy dường như đã trở thành một cái “đạo” bắt buộc trong Kinh Thánh của người Công Giáo, hay nó cũng được nhắc đến nhiều trong đạo luật “nhân quả” của triết lý Phật Giáo.
Triết lý "cho đi"
Tôi thật sự diễm phúc khi chứng kiến rất nhiều người luôn cho đi những giá trị cao đẹp, sự cho đi ấy không chỉ là tiền mà còn nhiều thứ có giá trị hơn như: kiến thức, phát minh và thậm chí cái triết lý ấy còn thể hiện ngay ở một sản phẩm, dịch vụ kinh doanh.
Thực sự trên thế giới này và ngay cả ở Việt Nam có những người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, tôi ngưỡng mộ họ không bởi vì sự giàu sang hay sự nổi tiếng của họ mà tôi thấy một “giá trị cho đi rất lớn” ở những việc họ làm. Điển hình như tỷ phú Warren Buffett, Bill Gate, Mark Zuckerberg… có thể nói họ là những người mà tôi ngưỡng mộ nhất, họ tài năng, giàu có cùng với một sự hào phóng. Tôi ấn tượng nhất đối với dự án “Cam Kết Cho Đi” do Bill Gate và Warren Buffet khởi xướng với cam kết cho đi ít nhất nửa tài sản khi chết, hành động này đã chứng minh được sự hào phóng của họ, thể hiện giá trị “cho đi” của những tỷ phú này.
Bill Gate và Warren Buffet khởi xướng quỹ từ thiện "Cam kết cho đi"
Khi tham dự các buổi họp hay hội thảo của Hội doanh nhân BNI, tôi thật sự hứng thú với triết lý “cho đi” của hội này. Đây cũng là nguyên nhân chính mà tôi mong muốn được làm thành viên của tổ chức này. Tôi mong muốn được cho đi thật nhiều giá trị cho xã hội, sự cho đi ấy không chỉ đơn thuần là cho tiền bạc, góp quỹ mà cho đi ngay trên chính sản phẩm kinh doanh của mình. Chính điều này đã khiến tôi luôn có một động lực mạnh mẽ để giúp công ty sinh tồn trong một điều kiện vô cùng khó khăn, tôi mong muốn tất cả mọi người trong công ty sẽ cùng làm việc với một tinh thần “cho đi”, công nhân hãy cho đi sự tỉ mỉ, chăm chỉ; nhân viên hãy cho đi những sự sáng tạo và siêng năng, lãnh đạo hãy cho đi tâm huyết và thời gian… sự “cho đi” sẽ giúp ta nhận ngay “hạnh phúc” mặc dù vật chất có thể chưa đến với ta ngay nhưng tôi tin một ngày nào đó vật chất sẽ tự động đến với ta như một người bạn.
Một trong những buổi kết nối tại BNI
Thực tế rằng, rất nhiều người họ trở nên giàu có vì nắm bắt được thời cơ, họ mua rẻ bán đắt thậm chí là dùng những mánh khóe hay kinh doanh bất chính… nhưng có một điều chắc chắn rằng họ luôn cảm thấy một sự thiếu thốn và trống vắng nào đó trong tâm hồn của họ, họ tự ti khi người khác giàu có hơn mình và “chảnh” khi gặp người nghèo khó… vì mục đích của họ là cố gắng tích lũy của cải để hưởng thụ chúng, họ đo lường giá trị con người bằng của cải. Và bạn có nghĩ rằng họ thực sự có hạnh phúc, của cải của họ sẽ tồn tại trong bao lâu? Tiền của họ có mang theo được khi nằm dưới mồ sâu, họ có yên nghỉ vì những đồng tiền đã tạo ra? Và thứ duy nhất mà họ có thể mang đi khi chết chính là giá trị của những việc họ làm khi còn sống trên thế gian chứ không phải những con số trong tài khoản ngân hàng, số lượng tờ giấy bạc hay thỏi vàng trong tủ. 
 Đạo lý “cho đi” nghe có vẻ dễ hiểu, nhưng để thực hiện nó đòi hỏi chúng ta có một cái tâm, một tinh thần kiên định và một sự cố gắng không hề biết mệt mỏi. Sự khó khăn, nghèo túng sẽ khiến chúng ta dần dần không muốn cho đi, khiến chúng ta dễ trở nên mù quáng để làm những hành động “thu vào”… khi tâm trí, hành động của bạn chỉ hướng đến mục đích “thu vào” bạn sẽ tự động cảm thấy nhỏ bé và bất an trong tâm hồn của mình.
Vì thế bạn hãy “cho đi” để tâm hồn luôn thanh thản và sự giàu có sẽ trở thành bạn đồng hành của bạn cho dù bạn sống hay chết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét