Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Thêm một nghịch lý của ngành thời trang Việt Nam

Mặc dù chỉ với hơn một năm tham gia kinh doanh ở lĩnh vực thời trang áo thun cao cấp . Nhưng đến lúc này tôi đã có nhiều trải nghiệm về nó một cách sâu sắc, một lĩnh vực kinh doanh cho thấy một sự cạnh tranh gay gắt, nhưng sự cạnh tranh đó không xuất phát từ việc cạnh tranh thương hiệu nhằm mang đến cho khách hàng trải nghiệm mới mà là một sự cạnh tranh mang tính "hơn thua" nhiều hơn giữa nội bộ các doanh nghiệp, xưởng may, hộ gia đình tham gia chuỗi giá trị thời trang. Và tôi cho rằng đây là một bất lợi đối với ngành thời trang Việt Nam khi cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài.

Tôi tin rằng những ai từng khởi nghiệp ở lĩnh vực kinh doanh này sẽ trải qua rất nhiều sự khó khăn, cảm giác chua chát, cay đắng thậm chí là tủi nhục. Và tôi là một người trong số đó, việc khởi nghiệp với số vốn ít ỏi khiến tôi không thể chủ động được nguồn nguyên liệu, chất lượng may ... đã khiến nhiều đơn hàng của tôi bị complain thậm chí bị phạt. Nhưng chính sự complain của khách hàng, thái độ "thờ ơ" của đối tác mà tôi cảm nhận được một phần nào bản chất của ngành kinh doanh này. Một điều mà tôi nhận thấy rằng để thành công trong ngành này, đòi hỏi người khởi nghiệp phải thật sự đam mê, khát vọng, bền bỉ, tỉ mỉ và khả năng sinh tồn vô cùng lớn.
Vẫn biết mình không có nhiều lợi thế cạnh tranh, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm ra những chiếc áo thun chất lượng nhất dành cho người Việt chúng ta. Nhưng thực sự để làm được điều đó tôi cần làm chủ được nguồn nguyên liệu, thiết kế, may, in ấn, phân phối và xây dựng được một hình ảnh thương hiệu giàu cảm xúc đối với người tiêu dùng. Một trong những mấu chốt ảnh hưởng đến chất lượng áo thun là "chất lượng đối tác", tôi có thể khẳng định một điều bất cứ ai kinh doanh ngành thời trang cũng cần có đối tác, không ai có đủ nguồn lực để thực hiện tất cả các khâu từ A - Z. 
Và đây thực sự là một nghịch lý đối với ngành may mặc và thời trang Việt Nam. Thay vì chúng ta có thể kết hợp, liên kết để gia tăng nguồn lực, sức mạnh của nhau thì chính chúng ta lại tự làm hại nhau chứ đừng nói đến việc "anh lớn giúp anh bé", "2 anh bé kết hợp thành anh lớn" hoặc "anh A giúp anh B để cung cấp hàng cho khách C" ... Tôi không phủ nhận sự cạnh tranh trong kinh doanh, nhưng sự cạnh tranh này vô tình đã làm cho những doanh nghiệp nhỏ đã khó khăn lại càng thêm khó khăn chồng chất. Và có lẽ chỉ với những doanh nghiệp nhỏ hoặc mới khởi nghiệp mới thấm thía được điều này, đối tác lớn thì "ngó lơ" khi các doanh nghiệp nhỏ đề xuất hợp tác, đối tác vừa và nhỏ thì sợ người khác "qua mặt" mình, nếu có nhận lời thì chỉ khi mình đang cần hàng sản xuất hoặc nhận lời hợp tác mà không cần quan tâm đến 2 "chữ tín".
Thực ra tình trạng trên không phải xuất hiện ở tất cả các doanh nghiệp làm thời trang, bản thân tôi cũng may mắn gặp rất nhiều những Anh Chị làm cùng nghề luôn sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm của mình. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, đứng trước thách thức và cơ hội mới, các doanh nghiệp may mặc và thời trang Việt Nam sẽ phải thay đổi tư duy, cách làm và đặc biệt sẽ gắn kết hơn nữa để cùng nhau tạo nên một sức mạnh tổng hợp cho ngành thời trang Việt Nam, một ngành mà chúng ta luôn luôn có nhiều lợi thế.
Riêng bản thân tôi, công ty FORLYBRAND luôn chào đón sự đầu tư, hợp tác và liên kết với các bạn trong cùng ngành thời trang với một thái độ chân tình và chuyên nghiệp. Chúng ta sẽ cùng nhau hướng đến một quan hệ hợp tác bền bỉ dù bạn là công ty lớn hay chỉ là một cá nhân đam mê kinh doanh thời trang đặc biệt đối với các sản phẩm áo thun cao cấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét